Tiếng Anh cho sinh viên: Học được phải sử dụng được

line
Đã có một thời gian dài, việc dạy học tiếng Anh quá chú trọng chuyện viết đúng ngữ pháp, nói cho giống người bản ngữ và dịch cho hay, chuẩn xác mới chấp nhận. Tiêu chuẩn cao, thậm chí lý tưởng nên việc học ngoại ngữ trở nên khó nhọc. Rất ít  người biết sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp, phần đông chỉ học để đối phó thi cử, rồi… lãng quên. ThS. Lê Đình Tưởng (giảng viên Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận thực trạng trên tại hội thảo “Dạy tiếng Anh không chuyên cho SV CĐ-ĐH” do Trường ĐH Văn Hiến tổ chức ngày 31-10.
 Học tiếng Anh như luyện thanh nhạc
Cũng theo ThS. Tưởng, ảnh hưởng của quan điểm truyền thống mà người học miệt mài với những chi tiết ngữ pháp, rèn luyện từng âm như học… thanh nhạc, thậm chí thuộc cả phiên âm mà có khi chính người bản ngữ cũng không nhớ nổi. Việc này giúp người học được công nhận tại các kỳ thi nhưng thực tế không biết vận dụng. Trong khi đó, ngay cả nhiều giáo viên dạy tiếng Anh rất tốt theo lối truyền thống nhưng không vượt qua nổi các kỳ thi quốc tế như TOEFL, IELTS…
Khảo sát nhanh của Viện Nghiên cứu giáo dục và Quản trị kinh doanh (EBM) tại một số trường ĐH-CĐ khu vực TP.HCM và Đồng Nai tháng 9-2013 vừa qua cho thấy chỉ hơn 65% SV không chuyên ngoại ngữ thấy được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh. Số còn lại không xem tiếng Anh là cần thiết trong nghiên cứu học tập, chủ yếu “bám” giáo trình tiếng Việt. Trong khi đó, ngay cả giảng viên cũng ít yêu cầu SV nghiên cứu tài liệu nước ngoài. SV xa lạ với các hội thảo chuyên ngành, ít gặp gỡ bạn bè quốc tế.
“Một kỹ sư được đào tạo về động cơ đốt trong không quan tâm đến những dạng xe máy, xe hơi đời mới vì tài liệu hướng dẫn toàn bằng tiếng nước ngoài. Một bác sĩ, nhà tâm lý xã hội, chuyên gia kinh tế thường né tránh đồng nghiệp nước ngoài, trở ngại trước tiên là tiếng Anh giao tiếp, chưa nói đến Anh văn chuyên ngành để đọc sách, tài liệu và thăng tiến” - TS. Lê Hồng Minh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Quản trị kinh doanh EBM) nêu thực tế.
TS. Minh đánh giá thêm, SV còn khá… nhởn nhơ, học qua loa để có bằng, chưa kể đến những tiêu cực khác vào năm cuối, chạy đua lấy bằng Anh văn… bất chính. Hầu hết SV muốn thi hơn là học.
Học được, phải dùng được
Trên thực tế, việc thông thạo tiếng Anh đem lại rất nhiều cơ hội và lợi thế cho người học khi ứng tuyển việc làm, thu nhập… Để cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh, hầu hết SV và giảng viên thuộc nhóm trường được khảo sát khu vực TP.HCM và Đồng Nai cùng đề nghị việc xếp lớp học cho người cùng trình độ và không để sĩ số lớp vượt quá 40. Thời gian qua, vấn đề không đồng đều trình độ đầu vào đã gây trở ngại lớn cho các trường trong khâu đào tạo và chính SV cũng khá vất vả để theo nổi chương trình.
TS. Trương Quang Vinh (Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn) đặt vấn đề quan tâm lựa chọn giáo trình và đầu tư phương pháp giảng dạy tiếng Anh hiệu quả. TS. Vinh cho rằng, điều này cần được quan tâm hàng đầu, vì học sinh ngay từ thời phổ thông đã chịu cường độ cao trong việc học các môn toán, lý, hóa, sinh… dẫn đến xao lãng tiếng Anh.
TS. Phạm Quốc Hưng (Phó trưởng khoa Giáo dục đại cương Trường ĐH Văn Hiến) nhấn mạnh vai trò quan trọng của giảng viên đối với đổi mới phương pháp truyền đạt, khơi dậy nguồn cảm hứng cho SV. Theo TS. Hưng, một số giảng viên chưa có phương pháp truyền đạt phù hợp, chưa đa dạng kiểu dạng học tập để khơi dậy hứng thú trong SV.
Nhấn mạnh khả năng vận dụng thực tế trong câu chuyện học ngoại ngữ, ThS. Lê Đình Tưởng (giảng viên Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng cho rằng, việc dạy và học cần chú ý vận dụng sao cho phù hợp hoàn cảnh thực tế nhà trường, xã hội, cái chính là người học theo nổi để dùng được trước mắt và lâu dài. Muốn được vậy, không cần quá chi li, cứng nhắc làm mất thiện chí, cảm hứng của người học.
Tiếng Anh nâng cao vẫn… lúng túng
Khảo sát trình độ Anh văn của SV học chương trình tiếng Anh nâng cao do nhóm giảng viên Anh ngữ Trường ĐH Mở TP.HCM thực hiện cho thấy kỹ năng nghe của SV chưa được tốt lắm. Các SV tỏ ra lúng túng về tốc độ nói, cách nối âm, nối từ trong câu và không quen với giọng bản xứ. SV còn thụ động trong khâu nghe và phụ thuộc quá nhiều vào sách…

Mê Tâm

(theo Giáo dục thành phố)

 

 

Góp ý
Các tin liên quan