Báo cáo chuyên đề văn học Việt Nam sau 1975

line
25 tháng 04 năm 2017

Chào mừng 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), đồng thời tạo điều kiện giao lưu trao đổi giữa các học viên ngành Văn học Việt Nam với một trong những nhà văn tiêu biểu của Văn học Việt Nam đương đại. Tối ngày 22/04/2017, trường Đại học Văn Hiến tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Văn học Việt Nam sau 1975” với sự trình bày của nhà văn - đại tá Chu Lai.

Nhà văn – đại tá Chu Lai tên khai sinh là Chu Văn Lai quê ở Hưng Yên, là con trai của nhà viết kịch Học Phi. Trong Chiến tranh Việt Nam, ông là diễn viên của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, sinh viên trường Đại học Quân y khóa I, rồi trở thành chiến sĩ đặc công hoạt động ở vùng ven đô Sài Gòn. Sau 1975, khi đất nước độc lập, với vai trò là chứng nhân trực tiếp trong chiến tranh, Chu Lai chuyển sang nghiệp viết văn, và những tác phẩm để đời của ông, những câu chuyện đầy góc cạnh về cuộc chiến và của cả thời hậu chiến. Cho đến hiện nay, Chu Lai đã xuất bản 15 tiểu thuyết về đề tài chiến tranh và thời hậu chiến, trong đó có thể kể tới Nắng đồng bằng, Phố Nhà binh, Cuộc đời dài lắm, Phố, Ăn mày dĩ vãng, Mưa đỏ…. Các tác phẩm của ông cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình, được đón nhận rộng rãi như Người Hà Nội (dựa trên tiểu thuyết Phố), Người đi tìm dĩ vãng (chuyển thể từ tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng). Xuất thân là một người lính, bước ra từ cuộc chiến nên hầu hết các tác phẩm của nhà văn Chu Lai “vẫn luôn thấp thoáng có hình ảnh người lính phía sau” như ông tự nhận.

Trong buổi báo cáo, ngoài chia sẻ về những kinh nghiệm cá nhân đã giúp ông có được một nguồn tư liệu vô tận và chân thực để viết nên các tác phẩm của mình. Nhà văn Chu Lai cũng đưa ra một cái nhìn tổng quát về văn học Việt Nam sau 1975 đồng thời chia sẻ những mảng đề tài mà ông quan tâm và một số kinh nghiệm sáng tác. Nổi tiếng với những tác phẩm thẫm đẫm tính nhân văn, tìm tòi khám phá về những thân phận, những bí ẩn trong chiều sâu tâm hồn và tính cách mỗi nhân vật, các tác phẩm của nhà văn Chu Lai để lại dấu ấn riêng trong lòng khán giả, đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với công chúng. Bên cạnh đó, với cách nói chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, mỗi một lần xuất hiện lại là một lần tác giả của Ăn mày dĩ vãng truyền thêm cảm hứng cho những người yêu văn học nói chung cũng như những sinh viên đang trực tiếp học và nghiên cứu về ngành này. Dưới sự dẫn dắt của nhà văn Chu Lai, chuyên đề “Văn học Việt Nam sau 1975” đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo những người yêu văn học, đặc biệt là các học viên cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam tại trường Đại học Văn Hiến.

Một số hình ảnh tại buổi báo cáo:

Thầy Trần Lâm Vũ giới thiệu nội dung buổi báo cáo

Nhà văn - đại tá Chu Lai trình bày chuyên đề "Văn học Việt Nam sau 1975"

Chiếu phim Người Hà Nội chuyển thể từ tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai