Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm và làm việc tại trường ĐH Văn Hiến

line
14 tháng 04 năm 2017

Sáng ngày 13/04/2017, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Đại học Văn Hiến.
Cùng đi với Bộ trưởng có Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; Ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng Giám Đốc Cơ quan đại diện Bộ tại Tp.HCM.
Trong khuôn khổ buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, PGS. TS Trần Văn Thiện – Hiệu trưởng Nhà trường đã gởi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm, tin tưởng của bộ GD&ĐT đối với trường ĐH Văn Hiến trong suốt những năm vừa qua. Ngay sau đó, Hiệu trưởng đã báo cáo hoạt động của trường ĐH Văn Hiến, với các nội dung nổi bật như sau:
- Kế hoạch phát triển đến năm 2020, Nhà trường xây dựng, phát triển cơ sở giáo dục theo định hướng ứng dụng, với ngành nghề đào tạo đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, chuẩn hóa, hiện đại hóa, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam; đào tạo sinh viên “Thành nhân trước khi thành danh”, phấn đầu trở thành đơn vị đào tạo được công nhận xếp hạng hai trong nhóm cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng.
- Các hoạt động nghiên cứu, đề ra giải pháp đối với đối với các vấn đề mang tính chất thời sự của xã hội, đặc biệt là vấn đề hội nhập và cung ứng nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế.
- Việc chuyển đổi trường dân lập sang tư thục và chuyển đổi loại hình đào tạo niên chế sang tín chỉ góp phần cải tiến chương trình đào tạo, cơ chế quản lý, tổ chức…
- Từ năm 2015 đến nay, Trường đã ký kết hợp tác với hơn 140 doanh nghiệp trong nước, gần 30 doanh nghiệp; đơn vị đào tạo nước ngoài, cụ thể là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Nga, Đức, … Hoạt động liên kết hợp tác này thúc đẩy mạnh mẽ các cơ hội du học, nâng cao chất lượng nhân lực hội nhập, cơ hội tiếp cận thực tế thực tiễn, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Nhà trường luôn có sự gắn kết trực tiếp và doanh nghiệp là một phần của quá trình đào tạo, cùng các doanh nghiệp thực hiện quá trình đào tạo. Do vậy, hầu hết các ngành tại Văn Hiến đều có nội dung “thực tập” trong chương trình học.
- Với chiến lược phát triển bền vững, Nhà trường luôn có chính sách đào tạo phát triển nguồn lực tại chổ, phát triển đội ngũ kế thừa, thu hút nguồn nhân lực bên ngoài về cộng tác tại trường
- Từ năm 2014 đến nay, số lượng giảng viên tăng 180%, số lượng giảng viên nâng cao bằng cấp tăng đáng kể. Đối với nguồn nhân lực bên ngoài, Nhà trường luôn có chính sách ưu tiên, thu hút các vị có uy tín ngành nghề cao, học vị Tiến sĩ trở lên cộng tác.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, điều kiện để đảm bảo đại học hiện nay là chất lượng, vì giá trị cốt lõi hiện nay là chất lượng. Các trường đại học ngoài công lập xây dựng giảng đường khang trang phải đầu tư hài hòa, đại học không phải là nơi chỉ có phòng và máy chiếu mà là một môi trường sống thực sự, thầy cô đến học sinh, sinh viên có chỗ học, chỗ chơi.
Cũng theo ý kiến của Bộ trưởng, Nhà nước luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu và không có sự phân biệt giữa trường công và trường tư. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, các trường đại học phải có sự cạnh tranh quyết liệt và để khẳng định thương hiệu các trường, không còn cách nào khác đó là phải nâng cao chất lượng. Ngoài ra, trường đại học nhất thiết phải có nghiên cứu khoa học thì mới có thể nâng cao được chất lượng đào tạo. Nghiên cứu khoa học ở đây không nhất thiết là phải nghiên cứu khoa học cơ bản mà phải đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, vận dụng vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Các trường cần quan tâm đến sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi; riêng đối với Đại học Văn Hiến có thế mạnh được tập đoàn Hùng Hậu đầu tư và lợi thế về ngành nghề thủy hải sản, vậy Nhà trường cần làm gì vấn đề khai thác nguồn nhân lực khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của người dân khu vực này. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng và thương hiệu của Nhà trường, cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
Trong số 60 trường đại học ngoài công lập hiện nay có nhiều trường đã trải qua thăng trầm, nhưng trường Đại học Văn Hiến với 20 năm hoạt động đã có hướng đi mới, trong đó phát triển theo hướng đại học ứng dụng là đúng đắn, tham gia vào việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt vào thị trường lao động. Vấn đề các trường đại học ngoài công lập đang gặp phải hiện nay là khâu tuyển sinh, vì vậy các trường cần xây dựng thương hiệu. Đối với trường ĐH Văn Hiến, ông Nhạ đánh giá cao chất lượng đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp. Ông Nhạ nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đào tạo “thành Nhân”, những ngành nghề “Văn Hiến”, khoa học xã hội nhân văn cần có bề dày về văn hóa. Đồng thời, khái niệm “Văn Hiến” không chỉ là các giá trị truyền thống mà cần vận dụng vào lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, ứng dụng thực tiễn, đặt vị trí của Nhà trường trong tầm nhìn khu vực và quốc tế để có hướng đi phát huy các thế mạnh, phát triển bền vững.
Một số hình ảnh trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng tại trường:


Bộ trưởng họp và trao đổi với Ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Hiến


PGS. TS Trần Văn Thiện – Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến báo cáo với Bộ trưởng về các hoạt động của trường


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo


PGS.TS Phạm Xuân Hậu - Trưởng khoa Du lịch đặt câu hỏi với Bộ trưởng


Sinh viên Đỗ Thị Thảo Mây -Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài đặt câu hỏi với Bộ trưởng


Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm tặng hoa chào mừng Bộ trưởng đến thăm và làm việc tại trường


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng trường bức tranh Khuê Văn Các


 Bộ trưởng chụp hình lưu niệm cùng Ban lãnh đạo trường Đại học Văn Hiến