Tọa đàm Chống xâm hại tình dục trẻ em

line
16 tháng 03 năm 2017

Thời gian gần đây liên tiếp các vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục được phanh phui trên các phương tiện truyền thông đại chúng, gây nên một là sóng bức xúc lớn trong cộng đồng. Hơn lúc nào hết những vụ việc trên chính là một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ tới toàn xã hội, đã đến lúc chúng ta cần có ý thức đầy đủ hơn với những cơ chế bảo vệ tốt hơn, những hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ các con em của chúng ta, những mầm non tương lai của xã hội. Nhằm chung tay vào cuộc chiến chống xâm hại tình dục nói chung và chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng của toàn xã hội. Sáng ngày 16/03/2017 báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường Đại học Văn Hiến tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Chống xâm hại tình dục trẻ em với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện các cơ quan ban ngành liên quan.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Viết Dũng – Vụ phó, PGĐ cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Minh Đức - GĐĐH Trường Đại học Văn Hiến, đồng phó ban tổ chức; PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến – Phó Khoa KHXH&NV, chuyên ngành Xã hội học – Tâm lý học Trường Đại học Văn Hiến; bà Bùi Trân Phượng – Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen; Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo trợ quyền trẻ em; Luật sư Đào Thị Bích Liên – Chi hội phó Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM; Luật sư Lê Ngọc Luân; TS. Tâm lý Phạm Thị Thúy – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM; TS. Tâm lý Lê Thị Linh Trang; BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang – Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng; Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du; ông Phạm Văn Phòng – Phó trưởng phòng 6, C45 – Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an cùng hơn 30 đơn vị truyền thông báo chí và đông đảo người dân quan tâm.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về thực trạng của nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện nay và nhận định rằng những vụ án bị khởi tố hay đưa ra trước công luận hiện nay chỉ là bề nổi nhỏ nhoi của một tảng băng chìm, rất nhiều vụ việc đau lòng vẫn chưa được phát hiện, điều tra rõ ràng và trả lại công bằng cho người bị hại. Qua đó, các chuyên gia cho rằng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội không những cần chung tay tạo ra môi trường an toàn cho các em, mà còn cần kiên nhẫn tạo lòng tin nơi các em, để khi có bất kỳ dấu hiệu không an toàn hay bị xâm hại các em sẽ có thể an tâm tìm sự giúp đỡ từ những người lớn tử tế xung quanh.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn nhận được sự chia sẻ của các bác sĩ tâm lý về quá trình tiếp nhận và điều trị những sang chấn tâm lý của các em sau khi bị hại, cũng như lời khuyên tâm lý từ các vị này tới gia đình nạn nhân. Đồng thời các thính giả cũng nhận được những chia sẻ rất thiết thực về mặt chuyên môn cũng như các quy trình pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người bị hại, khiến cho kẻ thủ ác phải đền đúng tội.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Đức- Giám đốc Điều hành trường ĐH Văn Hiến, hơn chục năm trước đã có thông tin xâm hại tình dục trẻ em. Cách đây không lâu một siêu sao, nghệ sĩ Việt Nam đã bị bắt và kết án ở Mỹ. Phân tích sâu xa thì nguyên nhân từ tâm lý, xã hội. Việc Chủ tịch nước và các lãnh đạo cấp cao phải chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại cho thấy đây là vấn nạn cần được xử lý nghiêm minh. Đây cũng là lý do Đại học Văn Hiến phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm hôm nay. Làm thế nào để tạo được sự an toàn cho trẻ em là điều chúng ta cần mổ xẻ để giúp các em được sống an toàn nhất

Trình bày tham luận của mình, PGS- TS Trần Thị Kim Xuyến- Phó khoa Khoa KHXH & NV, Chuyên ngành Xã hội học – Tâm lý học, trường ĐH Văn Hiến, cho biết: "Thực ra tình trạng xâm hại trẻ em đã diễn ra từ rất lâu. Nhiều người cho rằng thời gian gần đây ngày càng nhiều, nhưng tôi không cho là vậy, bởi nguyên nhân là do điều kiện thông tin lan truyền đi nhanh hơn trong khi chúng ta vẫn chưa quan tâm một cách thỏa đáng.
Theo tôi, các số liệu hiện hữu ít hơn hiện thực do các con số này không được thống kê đầy đủ. Nguyên nhân là do quan niệm về sự kỳ thị của người bị hại khiến các em không dám nói lên sự thật".
Theo PGS Kim Xuyến, từ năm 2011 – 2015, cả nước có 5.000 trẻ bị xâm hại, cứ 8 phút là có 1 trẻ Việt Nam bị xâm hại. Độ tuổi bị xâm hại càng ngày càng thấp hơn.
“Trẻ em bi xâm hại ở đâu?”- bà Xuyến đặt câu hỏi và trả lời: “Chúng ta vẫn nghĩ trẻ em cần không gian sống thật an toàn, nên chỉ chú ý đến nơi công cộng mà bỏ qua nơi sống của các em.
Về thủ phạm xâm hại, đôi khi chúng ta thường dặn trẻ không được tiếp xúc với người lạ nhưng theo thống kê, chính những người thân quen lại xâm hại nhiều hơn".
Theo bà Xuyến, sự tổn hại về mặt tinh thần đối với trẻ không phải ngay khi thời điểm bị xâm hại mà dẫn đến tình trạng lệch lạc về tinh thần sau này khiến các em mất đi niềm tin.
"Trước câu hỏi của một khách mời là làm sao lưu lại bằng chứng có giá trị pháp lý khi trẻ bị xâm hại?", bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang cho rằng: "Không phải dễ dàng khi gặp được các cháu bị tổn thương. Việc các cháu bị xâm hại nghiêm trọng thì mình mới được gặp. Còn đa số đều gặp sau sự việc rất lâu, bị sang chấn, loạn thần. Những dấu hiệu chỉ điểm như tổn thương ngay vùng âm hộ, trực tràng; bị nhiễm trùng; có dấu hiệu cố ý giao cấu với người khác vì cảm thấy khoái cảm Đây là những dấu hiệu chỉ điểm tin cậy. Còn dấu hiệu hành vi thì ảnh hưởng đến ăn ngủ, không chịu đến trường; gặp ai cũng sợ; tự nhiên thay đổi tính cách như đổ đốn, tự tử… Tùy theo tuổi đời mà có những biểu hiện khác nhau.
Vì vậy, khi bị sang chấn tâm lý đều phải được điều trị. Cơ quan thực thi pháp luật cần phài được công nhận để đào tạo ra một chuyên viên tâm lý làm việc với bệnh nhi. Tất cả phải được đào tạo để làm các em cảm thấy an toàn. Cha mẹ cũng cần được điều trị tâm lý, phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho con".

Xâm hại tình dục trẻ em đã và đang là một tội ác vô cùng nghiêm trọng, để lại nhiều hệ quả kinh hoàng với bản thân người bị hại và toàn xã hội. Do đó chống xâm hại tình dục trẻ em không phải là việc của riêng mỗi cá nhân hay tổ chức nào cả mà là một cuộc chiến đòi hỏi cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, với một lộ trình rõ ràng và toàn diện. Với mong muốn tha thiết được góp một tiếng nói tử tế, đáng tin cậy, có giá trị vào cuộc chiến đầy cam go này và tin rằng những tiếng nói như buổi tọa đàm hôm nay sẽ nhận được sự lắng nghe chân thành từ toàn xã hội và các cơ quan chức năng liên quan.

Những hình ảnh tại buổi tọa đàm:


PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Giám đốc điều hành trường Đại học Văn Hiến phát biểu tại buổi tọa đàm


Các cơ quan báo chí tham gia tọa đàm


Khách mời tham dự


Các chuyên gia phát biểu tham luận

 BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang – Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng

Bài phát biểu của đại diện báo Tiền Phong

Luật sư Lê Ngọc Luân trả lời thắc của khán giả tham gia tọa đàm


Khán giả có người thân bị xâm hại đặt câu hỏi với các chuyên gia

Các chuyên gia và khách mời tham dự tọa đàm