“Phải thay đổi từ cái đầu, từ những điều nhỏ nhất”

line
Là lời chia sẻ đến từ ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP DV DL Dã ngoại Lửa Việt trong "Hội nghị góp ý của Doanh nghiệp Du lịch và cựu sinh viên về xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp ngành Du lịch" diễn ra tại khách sạn Continental SaiGon vào sáng ngày 25.03 vừa qua. Chương trình do khoa Du lịch tổ chức với sự tham dự của PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Thành viên Hội đồng KHĐT, TS. Trịnh Trường Giang – Trưởng ban đổi mới Chương trình đào tạo, PGS. TS Phạm Xuân Hậu – Trưởng khoa Du lịch cùng các giảng viên khoa Du lịch, gần 30 đại diện doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, lữ hành và đặc biệt là cựu sinh viên các khóa về tham dự.

1-73

Quang cảnh của Hội nghị tại khách sạn Continental SaiGon

Nhiều ý kiến đóng góp rút ra từ thực tiễn và xu hướng phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, để có được thành quả tốt nhất trong đào tạo, nhà trường cần không ngừng đổi mới chương trình đào tạo; giảng viên cần vận dụng các tình huống thực tế vào trong giảng dạy, đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp với thực tiễn; đồng thời từ chính các bạn sinh viên phải luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, thay đổi bản thân từ những điều nhỏ nhất.

Ngoài chia sẻ trên, hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp khác cho việc phát triển chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, các ý kiến được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp và cựu sinh viên như: tạo sân chơi cho sinh viên tự thiết kế và bán tour, thiết kế các tour nước ngoài giá rẻ cho sinh viên thực tập thực hành, nâng cao các kỹ năng văn phòng và ngoại ngữ, lồng ghép yếu tố văn hóa vùng miền vào chương trình đào tạo,… được các vị khách mời sôi nổi thảo luận.

1-55

PGS. TS Phạm Xuân Hậu – Trưởng khoa Du lịch - chủ trì buổi hội nghị  

Gợi ý đào tạo “học kỳ doanh nghiệp”

Theo chị Thảo Trâm – Trưởng bộ phận HC-NS Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Metropole (thuộc tập đoàn Liberty), kỹ năng thực tế là vô cùng cần thiết đối với sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành Quản trị nhà hàng – khách sạn. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên chỉ được tham gia các khóa tham quan và thực tập ngắn hạn, chưa được trực tiếp làm một nhân viên thực thụ trong khoảng thời gian dài hạn hơn. Khi làm việc như một nhân viên trong một học kỳ, chắc chắn sinh viên sẽ có thêm rất nhiều kinh nghiệm thực tế, được nâng cao kỹ năng thực tập, thực hành,… Chính vì lẽ đó, chị Thảo Trâm bày tỏ mong muốn hợp tác cùng khoa Du Lịch mở “học kỳ doanh nghiệp” cho sinh viên trải nghiệm thực tế tại Trung tâm Hội nghị Metropole.

1-148

Chị Thảo Trâm – Trưởng bộ phận HC-NS Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Metropole - đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo

Tìm hiểu văn hóa nước ngoài nhưng không quên nắm vững kiến thức văn hóa dân tộc

Anh Nguyễn Phước Thiện – cựu sinh viên khóa 2000, hiện là Giảng viên khoa Du lịch - bày tỏ niềm vui, niềm tự hào khi chứng kiến sự đổi mới từng ngày theo xu hướng hiện đại của trường và khoa. Anh cũng đưa ra một số đóng góp cho chương trình đào tạo của khoa như: không nên bỏ môn Tiếng Việt thực hành, tăng lượng tiết dạy tâm lý học, đưa các tình huống thực tế vào trong giảng dạy, khuyến khích sinh viên tìm hiểu thêm về các kỹ năng chụp ảnh, khiêu vũ,… Anh đồng tình với ý kiên của một doanh nhân: sinh viên phải hiểu rõ văn hóa dân tộc mình.

Kinh tế Việt Nam đã và đang hướng tới sự hội nhập toàn diện và sâu sắc với kinh tế khu vực và thế giới, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp luôn được trường đại học Văn Hiến chú trọng hàng đầu thông qua nhiều hoạt động thiết thực trong thời gian vừa qua như: Họp Hội đồng KHĐT và thảo luận các chủ đề “Phát triển các ngành đào tạo mới” và “Giải pháp thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao”; Tập huấn “Nghiệp vụ phát triển Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp”; …

Thủy Lê

Góp ý